Theo thống kê của ngành y tế thì có khoảng 60% bệnh nhân có thời gian mắc ĐTĐ từ 10 năm trở lên sẽ bị tổn thương mạch máu trong mắt và 2% trong số đó có nguy cơ bị mù lòa.
Bệnh VMĐTĐ không có triệu chứng rõ ràng, cộng với sự chủ quan của người bệnh, nên bệnh chỉ được phát hiện khi thị giác đã bị tổn thương.
Để hiể u rõ về bệnh VMĐTĐ, Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Thành Vinh, Khoa Mắt, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An.
Gần như toàn bộ người bệnh đái tháo đường sẽ có bệnh VMĐTĐ sau 15 năm mắc bệnh
PV: Xin bác sĩ cho biết thực trạng các bệnh về mắt trên bệnh nhân ĐTĐ ở Nghệ An?
Bác sĩ Nguyễn Thành Vinh: Theo thống kê, hiện tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An đang quản lý và điều trị cho hơn 7500 bệnh nhân ĐTĐ, phần đa là bệnh nhân ĐTĐ týp 2, mắc bệnh lâu năm, có độ tuổi trên 45. Qua thời gian dài theo dõi và điều trị, nhận thấy hầu hết bệnh nhân có rất nhiều bệnh lý mắt hay gặp như: viêm bờ mi, tắc lệ đạo, đục thủy tinh thể, Glôcôm và đặc biệt nguy hiểm là các tổn thương VMĐTĐ.
Theo thống kê của Bệnh viện Nội tiết Nghệ An thì bệnh VMĐTĐ chiếm khoảng 22% số bệnh nhân đến khám tại viện, trong đó khoảng 3,5% bệnh nhân ở giai đoạn muộn, có chỉ định điều trị để phục hồi và bảo tổn thị lực.
PV: Xin bác sĩ cho biết bệnh VMĐTĐ là gì và những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này?
Bác sĩ Nguyễn Thành Vinh: Bệnh VMĐTĐ là tình trạng rối loạn các mạch máu ở võng mạc gây ra bởi bệnh ĐTĐ. Một người mắc bệnh ĐTĐ càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh VMĐTĐ càng lớn, đến khi bệnh trở nặng hoặc tầm nhìn xa có vấn đề, thì sẽ rất khó khăn trong điều trị. Bệnh VMĐTĐ đang ngày càng gia tăng, và đây là bệnh lý nguy hiểm nhất, hay gặp trên bệnh nhân ĐTĐ (chiếm khoảng 1/3 số người mắc ĐTĐ).
Bệnh VMĐTĐ là bệnh mãn tính, ở giai đoạn sớm, khi đường huyết tăng cao, lâu ngày các mạch máu nhỏ trong võng mạc bị tổn thương do mất các tế bào cấu tạo thành mao mạch, làm cho thành mạch yếu, dễ phình hay rò rỉ các chất ra lòng mạch gây nên các tổn thương vi phình mạch, xuất tiết, xuất huyết ở võng mạc. Các mức độ tổn thương sẽ tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh.
Hình ảnh chụp mắt bệnh nhân bị bệnh võng mạc đái tháo đường
Ở giai đoạn muộn các mạch máu có thể xơ hóa, tắc mạch, gây thiếu máu võng mạc, thiếu oxy tổ chức, võng mạc sẽ xuất hiện các yếu tố tăng sinh gây phù võng mạc hay hình thành nên các tân mạch. Các mạch máu mới này rất mỏng và thường rất dễ vỡ có thể gây xuất huyết đột ngột, trầm trọng hơn có thể tạo thành các dải xơ co kéo làm bong võng mạc gây mù vĩnh viễn.
Bệnh VMĐTĐ có rất nhiều yếu tố nguy cơ, người có thời gian bị ĐTĐ càng lâu năm thì tỷ lệ mắc bệnh VMĐTĐ càng cao.
Người mắc bệnh ĐTĐ từ 5 đến 10 năm thì tỷ lệ mắc bệnh VMĐTĐ là 50 đến 60%; Từ 10 đến 15 năm thì tỷ lệ mắc bệnh VMĐTĐ là 80 đến 90%; Thứ hai là vấn đề kiểm soát đường huyết của người bệnh, nếu trong thời gian dài mà bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết thì dễ dẫn đến mắc bệnh VMĐTĐ sớm hơn và có diễn biến nặng nhanh hơn; Thứ ba là các yếu tố liên quan đến các bệnh kèm theo như: Bệnh lý tăng huyết áp; thận; thiếu máu; giai đoạn bệnh nhân đang mang thai, đây là giai đoạn có thể làm khả năng mắc bệnh VMĐTĐ tăng lên 3 đến 4 lần.
PV: Các dấu hiệu nhận biết bệnh võng mạc đái tháo đường?
Bác sĩ Nguyễn Thành Vinh: Về mặt triệu chứng, bệnh VMĐTĐ có rất ít triệu chứng, nhất là giai đoạn đầu bệnh nhân không có bất cứ triệu chứng gì để cảnh báo là mình đã bị mắc bệnh VMĐTĐ. Hầu hết các bệnh nhân do chủ quan nên đến khi phát hiện thì đã ở giai đoạn muộn, thị lực đã bị tác động… nhìn mờ, ám điểm, hình ảnh méo mó, hoặc mất hình ảnh… Khi võng mạc đã bị tổn thương dẫn đến rất khó điều trị, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn là gánh nặng về kinh tế - xã hội.
Sử dụng máy chụp mạch huỳnh quang đáy mắt để phát hiện các tổn thương về mắt
PV: Xin bác sĩ cho biết các phương pháp điều trị bệnh VMĐTĐ?
Bác sĩ Nguyễn Thành Vinh: Ít nhất 90% trường hợp bệnh mới có thể thuyên giảm nếu được phát hiện, điều trị và theo dõi mắt đúng cách. Do vậy, việc bệnh nhân ĐTĐ đi khám mắt định kỳ là rất quan trọng, bác sĩ sẽ phát hiện các tổn thương do bệnh ĐTĐ gây nên, để có hướng điều trị kịp thời tránh để biến chứng nặng.
Cần đồng thời điều trị tích cực bệnh đái tháo đường và các tình trạng bệnh khác có ảnh hưởng xấu đến bệnh VMĐTĐ như tăng huyết áp, tăng lipid máu, bệnh thận, thiếu máu, ngoài ra hạn chế hút thuốc, uống rượu bia,...
Điều trị bệnh VMĐTĐ có 3 phương pháp chính: Laser quang đông võng mạc, tiêm thuốc nội nhãn và phẫu thuật. Việc áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp các phương pháp trên tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Điều trị sớm, tích cực có thể làm dừng hoặc hạn chế giảm thị lực mắt bị bệnh nhưng không thể làm khỏi bệnh.
+ Laser quang đông võng mạc tạo những vết đốt nhỏ trên võng mạc để giảm nhu cầu oxy võng mạc chu biên, ưu tiên dinh dưỡng vùng hoàng điểm, giảm nguy cơ tăng sinh tân mạch võng mạc.
+ Tiêm thuốc chống tăng sinh tân mạch nội nhãn như Lucentis, Avastin, Eylea, hay corticoid (Triamcinolon, Dexamethasol) điều trị giảm thi lực do phù hoàng điểm, làm thoái triển các tân mạch võng mạc, dịch kính.
+ Phẫu thuật dịch kính võng mạc để lấy máu trong dịch kính võng mạc hoặc bóc xơ có nguy cơ gây bong võng mạc.
Tại Phòng khám Mắt, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tiên tiến với trang thiết bị hiện đại đã được triển khai. Trong thời gian qua đã phát hiện và điều trị hiệu quả nhiều người bệnh không may bị bệnh VMĐTĐ.
Để tránh các biến chứng đáng tiếc về mắt, bệnh nhân cần phải đi khám mắt định kỳ
PV: Lời khuyên của bác sĩ để phòng tránh bệnh võng mạc đái tháo đường?
Bác sĩ Nguyễn Thành Vinh: Để dự phòng các tổn thương mắt do ĐTĐ gây nên thì chúng ta cần tuân thủ tốt việc điều trị bệnh ĐTĐ về chế độ dùng thuốc, chế độ ăn uống và chế độ luyện tập; Cần phát hiện và điều trị tốt các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu; cần có chế độ sinh hoạt hợp lý, hạn chế sử dụng chất kích thích, thuốc lá, rượu, bia…
Và điều quan trọng nhất là phải khám mắt định kì để kịp thời điều trị các biến chứng mắt do ĐTĐ, nhất là biến chứng VMĐTĐ. Đối với bệnh nhân ĐTĐ týp 1 thì nên khám muộn nhất lần đầu tiên là sau 3 năm được chẩn đoán bệnh ĐTĐ và định kì khám ít nhất 1 năm 1 lần; Đối với bệnh nhân ĐTĐ típ 2 thì nên đi khám lần đầu tiên ngay khi chẩn đoán bệnh ĐTĐ và định kì ít nhất 1 năm 1 lần.
PV: Cảm ơn bác sĩ!
Theo Từ Thành - Báo suckhoedoisong.vn