MỘT NGÀY Ở VIỆN NỘI TIẾT NGHỆ AN
Buổi sáng hôm ấy như bao hôm khác, tiếng loa gọi đều đều: " mời bệnh nhân số… vào phòng khám số…" " mời bệnh nhân số… vào phòng khám số…"
Bảng đèn led nhảy số liên tục.
Không có tiếng gọi nào có sức hút bằng tiếng loa gọi số thứ tự đó, bởi mọi con mắt và tai trong phòng chờ đều đổ dồn và hướng sự chú ý tới âm thanh đó. Tất cả đều chờ đến lượt của mình.
Ngày ít thì vài ba trăm, ngày nhiều có khi lên tới sáu bảy trăm lượt khám. Trên tay mỗi bệnh nhân là quyển sổ khám bệnh màu hồng. Có quyển mỏng và mới, có quyển dày và cũ nát đến nỗi có đủ các loại màu sắc trên đó: màu mực nhòe tên tuổi người bệnh, màu bùn nhạt do sổ bị rơi trong những ngày khám mưa gió, màu của thời gian…Bệnh nhân hầu hết từ các huyện ở xa tập trung về đây để khám nội tiết. Có người đi từ 1 - 2 giờ sáng, có người đến từ chiều qua rồi trọ lại qua đêm. Họ đi như vậy chỉ để mong sớm mai lấy được cái số thứ tự nhỏ, khám cho sớm để kịp bắt chuyến xe trưa về trong ngày.
Đã bao nhiêu năm nay, người bệnh đã quá quen với cảnh này, định kỳ hàng tháng đến hẹn lại lên. Có tốp bệnh nhân hẹn nhau thuê cùng một xe, đi cùng một ngày, chờ nhau về cùng một giờ, rôm rả như đi hội. Có những bệnh nhân lầm lũi một mình, không người thân, bao nhiêu năm bị bệnh là từng đấy năm mệt mỏi và chán chường, sự khó tính ở họ cũng tăng dần theo thời gian. Họ lại tìm đến bạn rượu, chỉ cần vài chén mồi là họ chửi hết thảy, chửi từ ngoài cổng bệnh viện vào tận phòng bác sĩ.
Đúng 6h30 sáng, bác sĩ có mặt tại phòng khám, lật đật khoác áo blue, chuẩn bị gọi những bệnh nhân đầu tiên vào khám. Hầu hết bác sĩ ở đây đều rất trẻ, và cũng toàn là bố mẹ trẻ. Mỗi sáng hối hả chở con qua trường gửi vội bác bảo vệ vì giờ đó các cô còn chưa đến, rồi vội vã phóng xe đến viện cho kịp 6h30 ngồi vào bàn khám. Những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày đôi lúc làm họ mệt mỏi, nhưng không làm giảm đi sự nhiệt huyết với nghề, vì họ còn trẻ. Sức trẻ là tài sản lớn nhất của họ.
Buổi sáng khám bệnh khá là áp lực đối với tất cả nhân viên ở phòng khám. Từ bộ phận thu dung tiếp đón, kế toán, điều dưỡng đến bác sĩ, tất cả phải rất tập trung làm việc để giải phóng bệnh nhân, tránh ùn tắc và chờ đợi lâu. Nói vui là mọi cơ quan cơ thể phải hoạt động liên tục, mồm thì nói và hỏi liên tục, tay gõ bàn phím, 2 tai dỏng hết cỡ để nghe và xử lý thông tin người bệnh phản ánh. Bác sĩ trẻ vốn nhanh nhẹn nên giải quyết rất nhanh, chỉ thương các bác nhiều tuổi, kính dày cộm rồi nhưng vẫn phải luyện ngón hàng ngày để hạn chế tình trạng mổ cò trên bàn phím. Thời đại 4.0, xu hướng tương lai bệnh viện sẽ triển khai mô hình bệnh viện thông minh nên tất cả nhân viên luôn có ý thức học hỏi và rèn luyện công nghệ thông tin.
Trong lúc giao tiếp với người bệnh, ngoài việc quan tâm vấn đề chuyên môn, bác sĩ phải chú ý hỏi rất nhiều vấn đề liên quan đến đời sống cá nhân của người bệnh. Vì làm nhiều rồi nên bác sỹ nhận thấy bệnh nhân họ đa dạng lắm. Có người hiểu biết và phối hợp điều trị rất tốt. Nhưng cũng nhiều bệnh nhân nếu không dặn dò thật kĩ thì họ thực hiện thuốc sai nhiều lắm. Bình thường để đảm bảo thời gian tránh ùn tắc và chờ đợi, các bác sĩ chỉ hỏi bệnh mỗi bệnh nhân được dăm ba phút. Thế nhưng nhiều khi mất gần nửa tiếng để khám xét và tư vấn những bệnh nhân đặc biệt, vì họ thường là người cao tuổi, lú lẫn, hoặc không có người nhà đi kèm…Những việc nhỏ như thế thôi, nhưng đã hạn chế rất nhiều các trường hợp biến chứng do tụt đường huyết hay do sử dụng thuốc sai, hay do các biến chứng mạn tính của bệnh…Vui nhất là tháng sau bệnh nhân đến khám lại bảo rằng: bác sỹ ơi, tháng này tui thấy khỏe hẳn trong người, mừng lắm! Rồi họ biếu bác sĩ đùm ổi đùm cam trong vườn vừa mới hái. Cả ngày hôm đó lòng bác sĩ có cảm giác hân hoan khó tả…
Có thể nói bác sỹ và nhân viên y tế ở bệnh viện nội tiết am hiểu bệnh nhân không kém người nhà của họ. Từ lịch sử bệnh tật đến gia cảnh và tính nết. Có bệnh nhân trẻ tuổi tên T khi mới đến viện lần đầu trông phong độ lắm, quần áo đóng thùng, xách một cái cặp như hình ảnh các vị cán bộ phường xã. Rồi theo thời gian, hình ảnh đẹp đẽ ngày nào dần biến mất, thay vào đó là hình ảnh héo mòn vì bệnh tật, tuổi cơ thể không tương ứng với tuổi đời. Cuối cùng bệnh nhân đó cũng phải kết thúc quá trình điều trị ở khoa chạy thận nhân tạo, 1 tuần chạy 3 lần. Mấy năm nay không còn thấy anh trở lại viện nữa. Anh T đó cũng như nhiều bệnh nhân khác, họ đến viện này khi còn là một trung tâm nhỏ, theo xu thế phát triển nhanh chóng của các bệnh nội tiết, nay bệnh viện đã trở thành một bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh quy mô lớn hơn nhiều.
Có những bệnh nhân mà cái tên đã làm thành "thương hiệu", nhắc đến là bác sĩ nào cũng biết, lần nào đi khám là một lần gọi đường dây nóng. Chỉ vì, luôn muốn số thứ tự của mình phải được làm trước dù không phải đối tượng ưu tiên. Chỉ vì, sau khi lấy máu xong đi ăn họ đã làm vài chén rượu…Nên anh em bác sĩ đều hiểu cả, tự bảo nhau: thôi không tranh cãi làm gì, cố gắng sắp xếp trả kết quả nhanh nhất cho bệnh nhân. Có bác sĩ còn dắt bệnh nhân ra làm thủ tục hành chính giúp họ, vì không ai hiểu bệnh nhân đó bằng bác sĩ.
Rồi có những trường hợp, một năm vào viện mấy lần thì lần nào cũng theo một kịch bản, con cái đưa bệnh nhân vào nhập viện, sau khi làm thủ tục xong cũng là luc mấy anh con trai đó lặn mất tăm luôn mấy ngày, nhân viên gọi điện cho người nhà cũng không cả bắt máy. Những lúc đó, từ nhân viên y tế đến người nhà của bệnh nhân cùng phòng lại thay nhau mua cơm cháo, đút ăn, thay bỉm, đổ bô…Không ai trách cứ một lời, vì ai cũng hiểu người bệnh nằm ở kia mới đáng thương hơn hết. Vì căn bệnh mạn tính bao năm nay đeo đẳng họ, hay vì sự ruồng bỏ của người thân…
Nhưng phần đa bệnh nhân là những người dân hiền hậu và chất phác lắm. Trong lúc ngồi chờ khám, họ chuyện trò rôm rả với nhau, có vài ba bệnh nhân nữ còn xuýt xoa giọng địa phương: khổ thân cho cái cô gì cứ đọc số thứ tự từ sáng đến trưa không được nghỉ, họ chất phác đến nỗi không phân biệt được tiếng người và tiếng máy… Đôi khi gặp bệnh nhân hoặc người nhà trong thang máy, ngoài cổng viện vô tình nghe được họ nói với nhau: Mự à, cái viện nội tiết này như là ngôi nhà thứ 2 của tui đó, không có viện thì tui không sống được đến dừ mô, tui là tui nỏ đi mô khỏi đây nữa mự nà.
Từ một trung tâm nhỏ, đến nay bệnh viện nội tiết Nghệ An đã lớn mạnh hơn rất nhiều về chuyên môn và điều kiện cơ sở vật chất, trở thành trung tâm y tế uy tín của tỉnh Nghệ An. Số lượng bệnh nhân đến viện đông hơn rất nhiều, bệnh lý cũng nặng nề và phức tạp hơn so với tuyến dưới. Điều may mắn nhất của thế hệ bác sĩ trẻ ở đây là được Lãnh đạo Bệnh viện tạo điều kiện để cập nhật kiến thức và nâng cao trình độ. Tinh thần học hỏi giữa các đồng nghiệp rất cao, luôn có sự chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các vấn đề chuyên môn hàng ngày, nên các bác sĩ luôn yên tâm điều trị và hỗ trợ lẫn nhau. Bộ phận điều dưỡng hầu hết cũng là cán bộ trẻ, nhanh nhẹn và nhiệt tình trong công việc, phối hợp với bác sĩ hiệu quả, từ đó đảm bảo công tác chuyên môn, hạn chế tối thiểu các sai sót.
“Đã mang lấy nghiệp vào thân”, mỗi bác sỹ và nhân viên y tế ở đây đều mang trong tim mình lời thề Hippocrates, vì lợi ích của người bệnh, vui buồn với người bệnh. Họ luôn tự nhủ với mình rằng: cảm ơn bệnh nhân! Bệnh nhân chính là những người thầy trực tiếp hàng ngày với mình và đồng nghiệp, phải cố gắng nhiều và thật nhiều hơn nữa…
Ps: nhân một ngày mưa gió, ít bệnh nhân.
Nguồn: facebook Thuyduong Nguyen