Đại dịch COVID-19 (Coronavirus disease 2019) do virus SARS-CoV-2 đang diễn ra trên toàn thế giới. Ước tính đến ngày 10.04.2020 đã có hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 1,6 triệu người mắc bệnh và hơn 97 nghìn người tử vong1. Các nhà khoa học thấy rằng, trong số những người bị virus corona mới tấn công, có 16,37% người đã được chẩn đoán tăng huyết áp (cao huyết áp) trước đây và 7,63% người có tiền sử đái tháo đường (tiểu đường)2. Vậy người bị  tăng huyết áp (cao huyết áp) và Đái tháo đường (tiểu đường) cần lưu ý những điều gì khi nhiễm virus corona mới?

Điểm đầu tiên đáng lưu ý là những bệnh nhân COVID-19 đang mắc bệnh  tăng huyết áp (cao huyết áp) hoặc Đái tháo đường (tiểu đường) sẽ có nguy cơ diễn tiến bệnh xấu hơn và khả năng gặp biến cố nhiều hơn so với những người không có tiền sử mắc các bệnh lý kể trên3,4,5,6,7,8.

Điểm thứ hai cần quan tâm là tương tác giữa các thuốc điều trị  tăng huyết áp (cao huyết áp) và Đái tháo đường (tiểu đường) với virus SARS-CoV-2 hoặc với các thuốc kháng virus cần điều trị ở những bệnh nhân COVID-19. Thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc ức chế thụ thể là các thuốc hàng đầu để điều trị  tăng huyết áp (cao huyết áp) vì các thuốc này có tác dụng làm giảm biến cố tim mạch và giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh. Hiện tại, các nhà khoa học thấy rằng chưa đủ bằng chứng cho thấy các thuốc này có lợi hơn hoặc gây tổn hại thêm cho người bệnh COVID-19. Vì vậy, một số tổ chức Tim Mạch uy tín trên thế giới khuyến cáo: người bệnh đang dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể vẫn nên tiếp tục duy trì các liệu pháp này mà không cần chuyển sang thuốc khác9,10,11. Ngoài ra, còn có một số lưu ý liên quan đến các thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc điều trị mỡ máu, thuốc chống đông và thuốc kháng ngưng tập tiểu cầu khi điều trị kèm với các thuốc kháng virus khác. Người bệnh cần thông báo với bác sỹ các chế độ điều trị của mình để bác sỹ cân nhắc và sử dụng liệu pháp phù hợp.Điểm cuối cùng cần lưu ý rằng hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu virus SARS-CoV-2, cũng như chưa có vaccin để dự phòng mắc bệnh. Hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới đều nâng cao mức cảnh báo nguy hiểm cũng như dành nhiều ngân sách để điều trị cho người bệnh COVID-19.

Tại Việt Nam, chính phủ đang dành nhiều ưu tiên về nguồn lực cũng như kinh phí cho người bệnh mắc virus corona mới. Nếu bị bệnh nhiễm virus, người bệnh cần bình tĩnh, hợp tác, tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ và nhân viên y tế để nhận được các biện pháp điều trị tốt nhất.

Người ta nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chính vì vậy người bệnh  tăng huyết áp (cao huyết áp) và đái tháo đường (tiểu đường) cần thực hiện 5 khuyến cáo của chính phủ để có cuộc sống khoẻ mạnh, tránh nhiễm corona virus:

1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau rửa thường xuyên, để thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh.

5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.12

Một điểm cũng cần lưu ý đặc biệt cho người bệnh  tăng huyết áp (cao huyết áp) và đái tháo đường (tiểu đường) trong giai đoạn này khi ở nhà là không được tự ý dừng thuốc hoặc giảm liều các thuốc đang điều trị bệnh vì việc này sẽ làm gia tăng con số huyết áp và gia tăng các chỉ số đường máu và có thể dẫn đến các biến cố tim mạch không mong muốn. Hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ về việc điều trị nếu bạn khó khăn trong việc đến các cơ sở y tế.

Chúc các bạn mạnh khoẻ!

  1. WHO. Coronavirus disease (COVID-19) outbreak situation https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019
  2. Amir Emami1., Fatemeh Javanmardi1, Neda Pirbonyeh1, Ali Akbari2. Prevalence of Underlying Diseases in Hospitalized Patients with COVID-19: a Systematic Review and Meta-Analysis. Archives of Academic EmergencyMedicine. 2020; 8(1): e35.
  3. W. Guan, Z. Ni, Yu Hu, et al. Clinical Characteristics of Coronavirus Disease 2019 in China. NEJM 2020. DOI: 10.1056/NEJMoa2002032.
  4. Fei Zhou, Ting Ysu, Ronghui Du, et al. Clinical course and risk factors for mortality of adult inpatients with COVID-19 in Wuhan, China: a retrospective cohort study. Lancet 2020 https://doi.org/10.1016/S0140-6736(20)30566-3.
  5. DaweiWang, Bo Hu, Chang Hu,  et al. Clinical Characteristics of 138 Hospitalized Patients With 2019 Novel Coronavirus–Infected Pneumonia inWuhan, China. JAMA 2020. doi:10.1001/jama.2020.1585.
  6. Chaolin Huang, Yeming Wang, Xingwang Li, et al. Clinical features of patients infected with 2019 novel coronavirus in Wuhan, China. Lancet 2020; 395: 497–506
  7. Ruan Q, Yang K, Wang W, et al. Clinical predictors of mortality due to COVID-19 based on an analysis of data of 150 patients from Wuhan, China. Intensive Care Med 2020.
  8. Wu C, Chen X, Cai Y et al. Risk Factors Associated With Acute Respiratory Distress Syndrome and Death in Patients With Coronavirus Disease 2019 Pneumonia in Wuhan, China. JAMA Intern Med 2020.
  9. European Society of Cardiology: Position Statement of the ESC Council on Hypertension on ACE-Inhibitors and Angiotensin Receptor Blockers. March 13, 2020.
  10. Canadian Cardiovascular Society: COVID-19 and concerns regarding use of ACEi/ARB/ARNi medications for heart failure or hypertension.
  11. Elissa Driggin, Mahesh V. Madhavan, Behnood Bikdeli, et al. Cardiovascular Considerations for Patients, Health Care Workers, and Health Systems During the Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) Pandemic. Journal of the American College of Cardiology 2020. DOI: https://doi.org/10.1016/j.jacc.2020.03.031.
  12. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19

Theo Ngaydautien.vn