Kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại, là mối hiểm họa nhiều mặt đối với sự sống còn của loài người, đối với sức khỏe cộng đồng, đối với kinh tế – thương mại và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị kinh điển. Tại Việt Nam, kháng thuốc đang ngày càng trở nên nguy hiểm đối với sức khỏe người dân và cả nền kinh tế do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi và càng đáng báo động hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của chúng ta.

Thực trạng dễ thấy hiện nay là nhiều người khi bị bệnh nhưng do ngại đến bệnh viện nên tự tìm mua kháng sinh để uống. Thậm chí, nhiều người bị cảm cúm do virus cũng tự mua kháng sinh về dùng với mong muốn nhanh khỏi bệnh. Việc mua, bán kháng sinh tại các hiệu thuốc rất dễ dàng. Người dân có thói quen sử dụng kháng sinh như ăn cơm, hễ ốm là tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh về uống. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng sinh chưa hợp lý, lạm dụng thuốc… sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, khiến cho thuốc kém hiệu quả và mất dần tác dụng.
Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” và là một trong số các nước đi đầu trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 (Quyết định số 2174/QĐ-BYT ngày 21/6/2013), với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Hưởng ứng “Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc” do Sở Y tế Nghệ An phát động từ ngày 26/11/2020 đến ngày 02/12/2020; toàn thể nhân viên, cán bộ y tế Bệnh viện Nội tiết Nghệ An cùng cam kết nội dung: “Cán bộ y tế thực hiện tốt quy chế chuyên môn: chỉ kê đơn kháng sinh khi thực sự cần thiết; giáo dục cho người bệnh dùng thuốc đúng liều, đúng thời gian và tuyệt đối không chia nhỏ liều hoặc dùng thuốc quá hạn; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm; sử dụng thuốc an toàn hợp lý”.
Và hôm nay, bạn hãy cùng chúng tôi ý thức trách nhiệm của chúng ta là phải sử dụng kháng sinh đúng cách nhằm bảo vệ chính mình và cả cộng đồng bằng cách cùng chung tay lan truyền ý thức trách nhiệm này. Nếu là người bệnh, bạn hãy:
- Chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn, không tự ý mua và dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị.
- Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm: Luôn dùng kháng sinh đủ liều ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ hơn nhiều.
- Không chia sẻ thuốc kháng sinh trong đơn thuốc đang dùng cho người khác uống, ngay cả khi đó là người thân của mình.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hay nước rửa tay để đề phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn, góp phần giảm bớt nguy cơ phải dùng đến thuốc kháng sinh.
- Sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ, hải sản theo đúng hướng dẫn.
- Khuyến khích gia đình và bạn bè sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.